Home / KINH NGHIỆM KINH DOANH / Lập kế hoạch tài chính khi kinh doanh nhà hàng

Lập kế hoạch tài chính khi kinh doanh nhà hàng

Bản kế hoạch kinh doanh nhà hàng là nhằm để biến các ý tưởng thành thực tế. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của một bản kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh lại nằm ở phần phân tích tài chính, đây chìa khóa để thuyết phục các nhà đầu tư, những người góp vốn, người cho vay tiền… và giúp chính bản thân doanh nhân cũng như doanh nghiệp mình tránh được rủi ro và tăng khả năng cạnh tranh.

Bạn có thể tham khảo: Những lưu ý khi mua trang thiết bị củ khi kinh doanh nhà hàng

Một câu hỏi đặt ra tại sao phải chú trọng điều này?

Đối với các nhà đầu tư tiềm năng hay người cho vay, họ rất quan tâm đến dự án tài chính kinh doanh, hơn là những kiến giải định tính, mơ hồ. Việc hoạch định tài chính phải là những con số cụ thể, mặc dù chỉ ước tính nhưng nó phác họa tầm vóc của dự án, lợi tức đầu tư và xác định được cơ hội…

Thậm chí, mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm điều hành nhà hàng, nhưng các nhà đầu tư hay người cho vay luôn muốn biết chủ nhà hàng có hiểu kỹ các khía cạnh tài chính trong bản kế hoạch kinh doanh đã hoạch định. Kiến thức về tài chính của chủ nhà hàng sẽ giúp nhà đầu tư, người góp vốn hiểu được người đó có khả năng điều hành nhà hàng hay không, có đủ các kỹ năng xây dựng thành công một dự án kinh doanh hay không.

Trong việc hoạch định dự án tài chính thì doanh số bán hàng giữ vai trò then chốt vì hầu hết chi phí, lợi nhuận, dòng tiền, lợi tức đầu tư (ROI) đều bị tác động bởi yếu tố này.

Do đó, hoạch định tài chính cần đưa ra những con số rõ ràng và khách quan về lượng khách, thậm chí tính ra được số khách trung bình hằng tuần, tháng hay năm.

Bởi vì, tại hầu hết nhà hàng, lượng thực khách khác biệt lớn theo từng giai đoạn, thời gian. Chẳng hạn, nhiều nhà hàng có lượng khách đột biến tăng vào ngày thứ 6 hay thứ 7, nhưng nhiều nhà hàng khách đông lại rơi vào ngày đầu tuần. Điều này rất quan trọng khi xem xét lượng khách kỳ vọng theo từng bữa ăn trong một tuần điển hình để hoạch định tài chính phù hợp đồng thời cũng là căn cứ để có thể triển khai các chương trình marketing thích hợp với từng giai đoạn.

Có ba giai đoạn bán hàng cần lưu ý. Đó là giai đoạn thấp điểm, trung bình và đầy khách. Mọi bản hoạch định tài chính đều phải xây dựng theo ba kịch bản này. Vì mọi dự báo lời lỗ tùy thuộc vào nó và qua đó đưa ra các kế hoạch đối phó hay quyết định mở rộng kinh doanh.

Hiển nhiên, giai đoạn đầy khách thì mọi nhà hàng đều mong muốn đạt được. Giá trị của giai đoạn này chỉ ra rằng, hoạt động của nhà hàng hoàn hảo và tiến trình kinh doanh sẽ đem lại nhiều tiền bạc. Các nhà đầu tư hay cho vay, góp vốn đều hứng thú với viễn cảnh này.

Khi nhà hàng đầy khách, càng cần đưa ra kịch bản kinh doanh rơi vào tình trạng tồi tệ. Điều này không phải bi quan mà muốn cảnh báo chủ nhà hàng phải thiết lập mọi phương án kinh doanh một cách cẩn trọng để đảm bảo vượt qua tình trạng dòng tiền âm. Chẳng hạn, ở giai đoạn thấp điểm, nhà hàng phải chấp nhận khoản lỗ trong thời gian bao lâu và phải tính toán phương án nào để duy trì hoạt động.

Rất hữu ích, trong việc hoạch định tài chính, bạn phải đưa ra được điểm hòa vốn và những giả định thực tế về ROI. Việc phân tích ROI dựa trên giai đoạn dự án phát triển trung bình, cho phép dự báo mất bao lâu để hoàn vốn. Nếu thời gian hoàn vốn của nhà hàng càng lâu thì khả năng kêu gọi đầu tư là rất khó, và ngược lại.